Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

Hồn quê thấm đẫm trong thơ Vũ Đức Vân


   Sớm một ngày đầu xuân Canh Dần, anh Minh Ngọc dẫn một người đến thăm tôi, anh bạn mới có dáng nhỏ nhắn, thư sinh; nhỏ hơn nữa là anh Ngọc, khi giới thiệu cứ một điều "chú em", hai điều "chú nó"... Anh bắt tay tôi có vẻ rụt rè, khuôn phép, tôi biết là ông bạn già đã nói về tôi hơi quá với "chú nó" đây! Không mấy để tâm đến việc anh Ngọc với anh Vân (tên người bạn) tham gia trong câu lạc bộ thơ Hương sắc Tây Hồ của chúng tôi, còn có ý nhờ cậy mong được dìu dắt. Tôi vui mừng vì được quen với người bạn, có quê gốc ở vùng Kinh Bắc, cái nôi của nền văn hóa sông Hồng, dịu dàng, mượt mà các làn điệu quan họ.

   Kể từ đó tôi và anh Vũ Đức Vân gắn bó với nhau qua thân giao tình cảm. Thực ra thời kỳ đầu chưa phải do giao lưu, tâm đắc về thơ, bởi anh đến sinh hoạt mấy lần với thái độ khiêm tốn, trình bày một số sáng tác chưa có mấy ấn tượng. Nhưng rồi tình cảm bùng phát qua sự kiện anh Minh Ngọc nhận lời sang thăm, dự buổi sinh hoạt câu lạc bộ chúng tôi. Ngày 17/6/2010 anh Vân đón tiếp bố trí ăn, nghỉ cho anh Ngọc tại nhà-dự định sáng 18 chở anh lên Tây Hồ; Nhưng tối đó anh Ngọc về nhà người cháu ở phố Quang Trung (Hà Nội) để rồi sáng hôm sau mọi người phải gỡ cánh cửa vào phòng đưa anh đi bệnh viện-nhưng tất cả đều đã quá muộn...
   Trong nỗi đau buồn vì mất bạn, tôi và anh Vân đều mặc cảm tuy mình cũng có lỗi một phần với anh Ngọc và gia đình anh. Sau sự kiện ấy- giữa tôi và anh Vân từ tình thơ có thêm sự kết nối nghĩa tình. Thời gian sau anh Vân tặng tôi tập Cây xanh bóng cội của anh do NXB Văn hóa Dân tộc ấn hành quý III/2009; Tôi hơi bị "choáng"; rồi qua giao lưu với các câu lạc bộ trong vài quận huyện của Hà Nội và vùng Nam Kinh Bắc, tôi thấy anh Vân đã là thành viên khá lâu, các thi hữu đều cho tôi biết về tiếng và thơ của anh! Từ "choáng" lên đến "Sốc" tôi tự ngượng và thầm trách mình chưa chịu khó mở rộng tầm mắt, thật là:
Ở nhà nhất mẹ, nhì con
Ra đường khối kẻ còn dòn hơn ta...
   Và từ nghĩa tình đã pha trộn thêm sự nể trọng! Về nội dung- tư tưởng, nghệ thuật cấu trúc các thể loại , đặc biệt là "Hồn" trong thơ của anh Vân, tôi không có năng lực phẩm bình như tầm bài bạt của nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Như Hạo-Hội văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh-viết và in trong tập Cây xanh bóng cội hơn nữa anh Hạo còn là đồng hương với tác giả nên càng có lợi thế.
   Đọc hết tập thơ Cây xanh bóng cội và bản thảo tập "Hồn quê" này, tôi càng đồng cảm nhận với anh Hạo về   Tình và mạch thơ của Vũ Đức Vân:
   "Tôi nghe rõ tiếng còi tàu từ phía ga Cẩm Giàng, Tôi đoán anh lại về Hà Nội, nơi ấy có con sông Hồng... Biết là vậy, song trong quê vẫn tỏ tring con người trầm lặng, nặng lòng ấy. Anh em tình gửi vào tập Cây xanh bóng cội như một sự ký gửi lòng mình cho bạn, cho quê; cái chất tình của anh trải lên mái tóc bạch kim tuổi bảy mươi vẫn cái cười của chàng trai còn nhớ quê cha, đất mẹ: Thái Trì-Lâm Thao-Lương Tài-Bắc Ninh.
Ca dao xưa nói: Đi đâu cũng nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương...
Thời nay nói: Quê hương là chùm khế ngọt
   Dân tộc ta có cội nguồn tình cảm thiêng liêng, nâng lên thành đạo lý là bản sắc văn hóa lưu truyền trong lịch sử hàng nghìn năm, đó là "Tình quê"; tôi cũng gắn bó với quê, đi xa đều nhớ quê da diết và câu tục ngữ: "cóc chết ba năm quay đầu về núi" bao giờ cũng là đích đến cho mỗi phận người phải xa quê, phiêu bạt góc bể chân trời như ngọn hải đăng định hướng cho một bến bờ yên ả sau cuộc hành trình nổi trôi đầy giông bão...
   Người Việt ta ai cũng có tình cảm, tâm trạng nguyện vọng ấy, nhưng cái khó là diễn đạt như thế nào để người khác đồng cảm. Nói thì dài và không bao giờ đủ, văn viết cũng khái quát, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Riêng thơ-tuy khó nhưng vẫn còn nhiều lợi thế bởi có thể dùng hình tượng, âm thanh, màu sắc, nhân vật hóa sự kiện, đặc biệt là thơ do phải tiết kiệm lời nên sử dụng từ, ngữ đa nghĩa, giàu cảm xúc, tính khái quát, cô đọng cao... Mặt khác nếu thơ có kết cấu ý, từ, từ ngữ tốt sẽ gợi mở cho người đọc sự liên hệ, suy tưởng do hồn thơ ngấm vào, chiết xuất ra một tác phẩm riêng gọi là sự đồng điệu giữa tác giả thơ và người đọc. Riêng về tình quê hương, ngôn ngữa thơ dễ tập hợp trở thành mạch chung suy tư, cảm nhận của đông đảo mọi người.
   Chỉ một câu lục bát mà bao hàm xúc tích:
Chiều chiều gánh nước tưới rau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều...
   Trong Hồn quê- anh Vân cũng có những tứ thơ cô đọng tình cảm với quê hương thật xúc động.
Tình quê đọng mãi trong tâm khảm
Giữa chốn đô thành dạ ngẩn ngơ...
Hoặc:
Du thuyền lờ lững nồng hương rượu
Quán lá trầm ngâm đượm vị chè
Xa xứ ai người yêu tĩnh lặng
Nơi này tìm được góc hồn quê
   Cũng như bao người xa quê, có tâm hồn, tình cảm yêu quê da diết, luôn tưởng nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn... vì vậy mảng thơ có nội dung "vọng quê" luôn là chủ đạo (trong tập Cây xanh bóng cội trước đây và trong Hồn quê này) ý thơ sâu sắc, thấm đẫm tình nghĩa, luôn đau đáu hướng về để chia vui, sẻ buồn, chất thơ rất hào loáng. Cũng là những kỷ niệm thời ấu thư bên cha mẹ, họ hàng, làng xóm, cũng những trò khăng, đáo, tắm sông, ao cùng bạn mục đồng cùng một thời cắp sách, nghịch ngợm tuổi học trò, quở phạt của thầy cô; cũng mơ màng dải theo cánh bướm với cô bạn tóc đuôi gà, cũng phút rạo rực và tâm trạng hồi hộp, tim đập như trống thúc hộ đê khi vụng về nắm vội tay bạn gái, ngượng ngùng, ngập ngừng nói lời thương... Sẽ lầm khi nghĩ tuy đây là "công thức" nhớ quê duy nhất, ai cũng như vậy. Thực ra không gian, phong tục tập quán, tình làng xóm... ở mỗi một miền quê rất khác biệt và không thể có một công thức chung cho nồng độ đậm, nhạt sâu, nông tình cảm, tâm hồn mỗi người đối với quê mình, cùng năng lực diễn đạt
   Cũng từ đó tôi nhận ra trong Hồn quê của anh Vân có điều khác lạ đó là: Quê anh trong vùng gốc quan họ, xứ Kinh Bắc, trung tâm lịch sử văn hóa đồng bằng Bắc Bộ,bản sắc trong nội dung, làn điệu quan họ đã hàm chứa thấm đẫm tình người, tình quê... hàng nghìn năm qua; anh Vân đã đưa cái chất mượt mà, duyên dáng, da diết... đầy lãng mạn, trữ tình của quan họ vào thơ đã thành công; Thơ anh rất mượt, êm ả, bay cao và đã thâm nhập sau, lan tỏa trong lòng người đọc.
"Xưa lên quán dốc
Ngồi gốc cây đa
Nghe câu quan họ thiết tha quê mình
Yêu nhau trao nón vì tình
Về nhà dối mẹ rằng mình đánh rơi..."
Hoặc:
"Trúc xinh trúc mọc đầu đình
Lòng ta như nhện giăng mành vấn vương
Trong lòng rộn rã "mười thương"
Nhớ lời "giã bạn" đôi đường tái tê
"Người ơi! Người ở đừng về...""
   Năm, tháng vọng quê, chất chứa nỗi nhớ, niềm thương trong thơ của Vũ Đức Vân không chỉ là kỷ niệm, hồi tưởng, ước vọng... như mọi người, anh còn có sự so sánh, phát hiện những biến thiên về cảnh, tình đời sống, văn hóa và người trên quê hương (bởi anh dù một chốn đôi quê nhưng có điều kiện đi về) Từ đó anh biểu thị tình cảm mừng vui với những thành quả do đổi mới, xót xa trước những thăng trầm, dâu bể, đau nhức trước những gì mất mát, băng hoại.
"Xưa lên quán dốc ngồi gốc cây đa...
..Nay lên quán dốc vẫn ngồi gốc cây đa
Vẫn câu quan họ thiết tha
Cảnh xưa còn đó
Mà ta vắng mình...!"
(Cây xanh bóng cội)

..."Làng xóm giờ đây hóa phố phường
Mất rồi bao kỷ niệm thân thương
Lòng mải nhớ về làng xóm ấy
Một khúc sông xanh, một mái trường..."
(Hoài cổ)
..."Giã bạn não nùng đau khúc ruột
"Người ơi" tha thiết nhói con tim
Giữa ngàn người hội mà cô quạnh
Sao hẹn chẳng về-lạnh hội Lim..."
(Trách ai nỡ hẹn)
   Thú thật: Đọc Hồn quê của Vũ Đức Vân được thưởng ngoạn các tứ thơ hay, đậm đà, sâu nặng. Tình quê thấm đẫm, nặng trĩu trong từng câu, từng từ. Thấy anh vui vẻ, tự hào, biểu lộ tình cảm thân thương trìu mến với quê hương anh bao nhiêu... tôi lại buồn tủi cho mình, bởi tôi có hoàn cảnh quê quán không đường-lạc tổ tông và đôi khi len lỏi ý nghĩ ghen tỵ với hạnh phúc của anh.
   Tôi cảm ơn anh đã cho tôi đọc Hồn quê cho tôi biết được những cảm xúc  chân thành  của người xa quê, nhớ quê; gặp lại quê, sống lại cùng quê... Niềm thỏa nguyện: một mai đất quê sẽ đón nhận khi trở về...!
   Tôi cảm ơn anh đã tâm sự, se chia tình quê của anh- giúp tôi làm vơi đi nỗi buồn chất chứa trong lòng.
..."Đứng đất quê người tìm quê mẹ
Đằm thắm quên cả hạt mưa rơi...!"
   Cho tôi biết "Hòn-Cốt của Quê" để từ đó vọng về một miền quê trong tâm tưởng.../

Quang Lê
Trọng Đông năm Tân Mão
Tây Hồ Thư Quán 20/12/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét