Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

Cây xanh bóng cội thăm thẳm đường đời của Vũ Đức Vân



Có một chiều quê, tình cờ tôi gặp Vũ Đức Vân. Anh mời tôi vào nhà. Anh em trò chuyện. Anh và tôi không cùng quê nên chúng tôi không có những ngày cùng nhau buông thả cánh diều, xém tóc chăn trâu đồng làng giữa trưa hè ong ả, hay những buổi "vục mẻ miệng gầu, chiều đêm tát vét". Chúng tôi, kẻ đất làng Thái Trì nền nếp gia phong, ven dải sông Thau; kẻ đất Đông Ninh quê kiểng ven dòng sông Thái Bình mầu mỡ.

Nâng chén trà ngát thơm hương vị "suối Giàng" thết khách, ngừng lại trong giây phút mơ màng, ngẫu hứng anh đọc đôi câu ngâm ngợi:
Thương cho ai/ dạ ngậm ngùi
Ước làm khăn/ thấm lệ rơi / cho mình

Chợt giật mình, tôi bảo anh đọc lại. Tôi thảng thốt. Dung dị mà đau! Cái vị đau ngọt chát. Lời thơ, ý thơ cứ toàn chảy như đùa, mộc mạc trong một thế giới ngôn ngữ dân gian mà phong tình chột dạ. Câu thơ như có sóng cuộn, như có tiếng gió rít tái tê.
Rồi anh mở cặp trân trọng đưa cho tôi cả tập bản thảo Cây xanh bóng cội. Anh bảo: Hay, dở nhờ thầy giáo xem cho. Anh nói như tự bạch: Tôi thì thơ thẩn gì đâu, lòng không cầm được thì viết, câu được câu chăng-tôi ngẫm, thơ là vậy!
Tôi đọc ngần ấy bài rồi gom suy ngẫm. Anh cả một đời kinh doanh bươn trải thương trường, thành đạt (anh không phải nhà thơ, thôi khỏi bàn ngôn ngữ, câu tứ...) mà tuyệt nhiên không có một bài nào viết về cá đường nghệ thuật nghiệt ngã ấy cả. Lạ chưa! Tôi nhận ra một điều giữa tháng năm rộng rãi kia, chỉ để rót vào cái dài lâu nơi "cây xanh" và "bóng cội" mà thôi, cái lãi là ở đấy.
Bởi thế nên thơ Vũ Đức Vân lạc vào cái ngõ đời tâm tư ở cái thế giới quanh ta, dẫu rằng "Cái tuổi trời ban dùng sắp hết/ Đường về cõi Phật chẳng còn xa" (Giá). Âu cũng là quy luật, song với cái nhìn trực tuyến, hãy mở thêm khẩu độ của cung đời, ta xoay qua bao miền đất, những danh lam... hiện ra trong cấu tứ, trên hành trình vạn nẻo " Cậy mạnh khơi xa tung sóng bạc / Thi gan thềm cát giữa không mòn" ở một Đồ Sơn quen thuộc. Ngỡ còn một phế tích ư, tím đỏ giữa trời non nước miền Trung "Tháp Chàm". Nghe đâu đó tiếng hời của một vương triều qua dĩ vãng. Bàn chân lên Yên Tử, bậc kiệu gập ghềnh đến Phù Vân tới chùa Đồng để tỏ bày "Lễ vật tâm thành tỏ tri ân". Lại xuôi về Kinh Bắc dừng trên đất "Cổ Pháp", đến "Đền Đô" mà nhớ Lý Chiêu Hoàng. "Chuyện cũ nào phai nơi miệng thế / Đời còn bàn mãi chuyện khôn ngu". Qua bên kia sông Đuống, dừng chân bên núi Thiên Thai thăm đền Quan Trạng "Đệ nhất văn tài thị vô song" mà khóc trước một thân phận, một con người tráng sơn hà, đức tài trùm thiên hạ. Con người bằng xương bằng thịt từng làm đến quan thái sư, đã từng "ép giặc trả lại phần biên giới của non sông" nơi Ải Bắc nghìn năm, lư hương vẫn ấm lửa lòng dân gian bách tính. Lại vượt sang Côn Sơn nhớ Ức Trai, viết thư thảo hịch tài giỏi hết một thời. Một Ức Trai mà Nguyễn Mạnh Tuân ca ngợi "Như một ông tiên ngồi tr4ong tòa ngọc, cái tài làm hay làm đẹp cho nước từ xưa chưa có bao giờ..." Như người xưa ngợi ca lưu truyền sử sách với bao miền: Một Xứ Lạng, một Cố Đô cho ta về làm vua phút chốc, một Đồng Lộc thắp nén hương thơm mà tạ ơn mười cô gái anh hùng... Cảnh vật đã qua, những mảnh đời, những thân phận... Ta hiểu Vũ Đức Vân nói gì, thăm thẳm lắm đấy. Tôi bảo đó là những câu thơ, những tứ thơ hướng ngoại!
Tôi cũng dừng ở những câu, những bài anh viết cho bạn vào những ngày khánh thọ: "Lan quế đề huề mừng tuổi hạc" và anh em hớn hở đến quây quần, với cảnh "Mình mai vóc hạc vẫn thanh tân". Mộc mạc nghĩa tình, chén trà, ngụm rượu cùng nhau giữa đời này, phải chăng là vàng ngọc đây!
Những câu thơ viết  về con, về cháu anh gửi nhiều ở ngoài vỏ ngôn ngữ, nặng lòng của tuổi đã vòa vai cụ, vai ông để hướng về phía trước, đó là: "Ước nguyện gia tông mãi mạnh giàu" và bên cạnh đó còn có một sự hy sinh nữa : "Ông già để cháu mau khôn lớn / Hoa rụng làm màu khỏe búp xanh". Bình dị mà khôn nguôi: Anh nói hộ cho vạn lần khát vọng giữa đời thường: "Dù cho trăm nổi nghìn chìm / Chỉ vui khi thấy anh em thuận hòa"
Tôi dừng rất lâu ở những bài dù rất kiệm lời, đó là những bài anh viết về vợ. Trong bài "Tự sự chúng mình" những là: "Trả công năm tháng chịu ơn người" vui hưởng chữ "An hòa" là điều nghiệm ra sau những ngày "bà ốm". Sau vungnj về, tất tưởi dao thớt tương cà lớ ngớ, ta nhận ra hạnh phúc cho ai còn sánh đôi "Song hạc" nằm trong mâm vàng của cuộc đời.
Ân huệ chăng? Có nhẽ là thế! Có Yên Tử mới vui lòng yên phụ. Vũ Đức Vân gạt đi bao nhẽ để chắt lại tình, trong mỗi câu thơ trâm ngọc giữa đời. Cây xanh bóng cội - tập thơ trăn trở bóng người... nơi ven sông Thau. Tôi nghe rõ tiếng còi tàu từ phía ga Cẩm Giàng. Tôi đoán anh lại về Hà Nội. Nơi ấy có sông Hồng. Biết là vậy, song trăng quê vẫn tỏ trong con người thầm lặng còn nặng lòng ấy. anh đem tình gửi vào tập Cây xanh bóng cội như một sự ký gửi lòng mình cho bạn, cho quê. Cái chất tình của anh trải lên mái tóc bạch kim tuổi bảy mươi vẫn cái cười của chàng trai còn nhớ quê cha, đất mẹ: Thái Trì-Lâm Thao-Lương Tài-Kinh Bắc

Lương Tài, ngày 24/6/2009
Nhà giáo Nguyễn Như Hạo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét